Chứng khoán châu Á phục hồi sau diễn biến xung đột Nga-Ukraine
Theo Báo vietnamplus.vn - Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga nhưng không đả động tới việc ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu của Moskva đã tạo đà đi lên cho thị trường chứng khoán châu Á.
Thị trường chứng khoán châu Á phục hồi trong phiên giao dịch cuối tuần 25/2, tiếp nối đà tăng của Phố Wall trong phiên giao dịch đêm trước, sau khi Mỹ quyết định không áp đặt các biện pháp trừng phạt "cứng rắn" nhất đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đảo chiều đi lên, tăng 505,68 điểm (1,95%), lên 26.476,50 điểm.
Như vậy, Nikkei 225 đã dứt chuỗi 5 ngày giảm điểm liên tiếp, do giới đầu tư đẩy mạnh mua vào cổ phiếu giá hời sau khi chỉ số này chạm mức thấp nhất 15 tháng trong phiên trước đó, giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng phục hồi trong phiên cuối tuần sau phiên giảm sâu trước đó, nhờ nhu cầu đối với các tài sản rủi ro gia tăng trở lại, khi Mỹ ban hành các biện pháp trừng phạt một cách khá thận trọng đối với Nga sau những động thái của nước này trong quan hệ với Ukraine.
Đồng won của Hàn Quốc cũng tăng nhẹ so với đồng USD. Khép lại phiên này, chỉ số Kospi tăng 27,96 điểm (1,06%), lên 2.676,76 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải cũng tăng 21,45 điểm (0,63%), lên 3.451,41 điểm.
Tuy nhiên, dư âm của phiên bán tháo mạnh mẽ trước đó do diễn biến mới của căng thẳng Nga-Ukraine vẫn ảnh hưởng tới tâm lý của giới đầu tư chứng khoán tại sàn giao dịch Hong Kong (Trung Quốc) trong phiên này, khiến chỉ số Hang Seng giảm 134,38 điểm (0,59%), xuống 22.767,18 điểm.
Ngoài ra, quan ngại về đợt bùng phát tồi tệ hơn của đại dịch COVID-19 tại Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) càng củng cố đà giảm của chỉ số này.
Các thị trường chứng khoán chủ chốt khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Jakarta của Indonesia, Bangkok của Thái Lan và Wellington của New Zealand cũng đều ghi nhận mức tăng hơn 1% trong phiên này.
Thị trường Sydney của Australia, Singapore cũng “xanh sàn” phiên cuối tuần này. Đáng chú ý, thị trường Mumbai của Ấn Độ còn chứng kiến mức tăng mạnh 2,7%.
Những diễn biến trong quan hệ Nga-Ukraine trong ngày 24/2 đã gây chấn động các thị trường châu Á và châu Âu, đồng thời đưa giá dầu vượt ngưỡng 100 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014, khi các nhà đầu tư dự kiến về nguy cơ gián đoạn nguồn cung của một loạt mặt hàng quan trọng như lúa mỳ, kim loại và dầu thô, khi xảy ra tình hình căng thẳng ở Đông Âu.
Giới đầu tư cũng đang lo ngại về tác động của bất kỳ lệnh trừng phạt nào mà các nhà lãnh đạo phương Tây áp đặt lên Moskva.
Mặc dù các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ nhắm vào hai ngân hàng lớn nhất của Nga và nước này đang xem xét việc kiểm soát đối với các mặt hàng công nghệ cao nhằm làm tê liệt các lĩnh vực quốc phòng và hàng không vũ trụ của Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn không đả động tới việc ngăn chặn hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.
Tin tức này đã tạo ra một cú hích lớn cho Phố Wall và tạo đà đi lên cho thị trường chứng khoán châu Á phiên 25/2, song lại đẩy dầu trở lại mức dưới 100 USD/thùng.
Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch cuối tuần này, VN-Index chỉ tăng hơn 4 điểm lên 1.498,89 điểm. Như vậy, VN-Index đã rời khỏi mốc 1.500 điểm mà sáng nay dễ dàng vượt qua.
Khối lượng giao dịch trên HOSE đạt hơn 768 triệu cổ phiếu, tương ứng múc tăng hơn 25,6 nghìn tỷ đồng.
Toàn sàn có 324 mã tăng giá, 126 mã giảm giá và 53 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,28 điểm lên 440,16 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 105,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 3.152,2 tỷ đồng.
Toàn sàn có 172 mã tăng giá, 63 mã giảm giá và 58 mã đứng giá. UPCOM-Index tăng 0,34 điểm lên 112,66 điểm.
Khối lượng giao dịch đạt hơn 123,5 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 1.869 tỷ đồng. Toàn sàn có 237 mã tăng giá, 169 mã giảm giá và 97 mã đứng giá./.