Diễn biến bất ngờ của thị trường nhà phố, biệt thự vùng ven Sài Gòn
Nguồn cung sơ cấp tại Tp.HCM ngày càng khan hiếm do sự siết chặt pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua và quỹ đất sạch phù hợp ngày càng hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến các CĐT dịch chuyển ra các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An,... tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới.
Diễn biến bất ngờ của thị trường nhà phố, biệt thự vùng ven Sài Gòn
Ghi nhận cho thấy, thời gian qua, phân khúc nhà phố, biệt thự tại các tỉnh lân cận Tp.HCM như Đồng Nai, Long An, Bình Dương…"lấn lướt" về nguồn cung so với Tp.HCM. Trong đó, các dự án khu đô thị được quy hoạch bài bản, chú trọng tới môi trường sống, cung cấp đa dạng tiện ích giải trí, thể thao tích hợp không gian xanh… đang được người mua chú ý.
Nếu Đồng Nai có KĐT Swna Park, Swanbay Oasia, KĐT ID Junctione Long Thành.. thì Long An lại nổi bật với Waterpoint 355 ha của CĐT Nam Long, dự kiến giai đoạn 2B sẽ nhận giữ chỗ vào tháng 8/2021, trong khi giai đoạn trước đó, các căn nhà phố, biệt thự đã đi vào hoàn thiện. Đây là KĐT quy mô lớn tại Bến Lức với các dòng sản phẩm như căn hộ, nhà phố vườn, shophouse, biệt thự song lập, biệt thự đơn lập, dinh thự, dinh thự ven sông.
Hay, cùng khu vực Long An có các dự án như như Elite Life Cần Giuộc, Nhà phố West Market, The Sol City, West Lakes Golf & Villas….; Nhìn chung các dự án KĐT quy mô lớn tại thị trường này cũng khá hạn chế so với số lượng các dự án đất nền, KDC nhỏ lẻ. Theo đó, thời gian qua, một số dự án của CĐT lớn chú trọng phát triển đến môi trường sống, không gian xanh nhận được sự quan tâm tích cực từ phía người mua, trong đó có nhiều người mua đến từ Tp.HCM – tìm kiếm không gian sống trong lành, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills cho hay, thị trường bất động sản vùng ven trên toàn cầu đang cho thấy nguồn cầu mạnh mẽ. Đây là phản ứng trực tiếp đối với sự bùng phát của Covid khi có xu hướng rời xa các thành phố với mật độ dân cư cao cũng như tính thuận tiện của xu thế làm việc ở nhà mang lại.
Một điểm đáng lưu ý tại Hà Nội hay Tp.HCM, thị trường cũng có xu hướng mở rộng sang vùng ven do quỹ đất ở trung tâm hiện rất hạn chế. Khi cơ sở hạ tầng được phát triển, thị trường sẽ chào đón thêm nhiều bất động sản khu vực ngoại ô hơn. Những dự án này được chú ý bởi có quy hoạch rõ ràng, chú trọng hơn tới môi trường sống, cung cấp đa dạng tiện ích giải trí, thể thao tích hợp không gian xanh.
Diễn biến bất ngờ của thị trường nhà phố biệt thự vùng ven Sài Gòn
"Người mua nhà hiện nay chú trọng đến những dự án đa dạng về tiện ích, dịch vụ và đồng thời cung cấp nhiều không gian xanh, nơi họ có thể sống, làm việc và vui chơi và tận hưởng môi trường. Đây là một hướng đi lâu dài cho dự án, các chủ đầu tư cần tập trung phát triển quy hoạch dự án đồng bộ và tập trung vào chất lượng dự án để đáp ứng sự thay đổi trong nhu cầu của người mua", ông Matthew Powell nhấn mạnh.
Báo cáo thị trường nhà phố, biệt thự Tp.HCM và tỉnh lân cận quý 2/2021 của DKRA Vietnam chỉ ra, nguồn cung sơ cấp tại Tp.HCM ngày càng khan hiếm do sự siết chặt pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua và quỹ đất sạch phù hợp ngày càng hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến các CĐT dịch chuyển ra các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An,... tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới.
Đơn vị này cho rằng, đối với khu vực giáp ranh, sự quan tâm của khách hàng tập trung vào những dự án quy mô lớn, quy hoạch bài bản và được phát triển bởi những chủ đầu tư uy tín.
Còn theo Colliers Việt Nam, hiện diễn biến của các phân khúc này tại thị trường các tỉnh vùng ven Tp.HCM cũng tùy thuộc nhiều vào tiến độ khống chế đại dịch Covid-19. Với nhiều lợi thế về việc kết nối với Tp.HCM, cơ sở hạ tầng, tiềm năng phát triển hay mặt bằng giá thì khu vực tỉnh lân cận Sài Gòn như Bình Dương, Long An, Đồng Nai… vẫn sẽ là nơi thu hút mạnh dòng tiền của nhà đầu tư trong dài hạn.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, với không ít nhà đầu tư, việc sở hữu nhà phố, biệt thự trong các khu đô thị quy mô ven Tp.HCM có thể sẽ vẫn là ưu tiên của họ, nhất là tranh thủ lợi thế về giá. Chẳng hạn như biệt thự ven sông ở một số khu đô thị tại Long An đang có giá khoảng 5-6 tỷ đồng, rất "dễ chịu" so với Tp.HCM. Tuy nhiên vấn đề là dòng tiền của họ có thể đang gặp khó vì tác động tiêu cực của dịch Covid-19 trên diện rộng.
Các dự án khu đô thị được quy hoạch bài bản, chú trọng tới môi trường sống, cung cấp đa dạng tiện ích giải trí, thể thao tích hợp không gian xanh… đang được người mua chú ý.
Các dự án khu đô thị được quy hoạch bài bản, chú trọng tới môi trường sống,… đang được người mua chú ý.
Cùng quan điểm, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam cho hay, dù dịch bệnh, phân khúc nhà phố, biệt thự vẫn "sống khoẻ", giá vẫn tăng. Theo bà Trang, đối với phân khúc biệt thự, nhà phố, do lượng tồn kho ít nên không có nhiều sự tăng giá trong những sản phẩm đang chào bán. Tuy nhiên, giá bán tại thị trường thứ cấp lại có mức tăng giá khá ấn tượng, khoảng 13% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên do bởi người Việt Nam vẫn ưu tiên nhà ở liền thổ hơn. Do đó, những sản phẩm nhà phố, đặt biệt là các sản phẩm được phát triển trong các dự án rất được nhà đầu tư quan tâm, tỷ lệ hấp thụ cũng rất tốt.
Chia sẻ về những tín hiệu tích cực thị trường BĐS cuối năm 2021, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam nhận định, trong khi dòng tiền đang đổ vào chứng khoán thì đây cũng được cho là thời điểm tốt để các doanh nghiệp BĐS chuẩn bị đón dòng vốn chảy vào thị trường khi dịch được kiểm soát, đồng thời cũng sẵn sàn phương án thay đổi linh hoạt để ứng phó với thị trường bất định, linh hoạt trong việc đào tạo và cả mở bán trực tuyến vì dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.
Nhìn về dài hạn, BĐS Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng. BĐS vẫn là "nơi trú ẩn" tài sản vừa đảm bảo tính an toàn và sinh lời trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế, điều này thể hiện rất rõ thời gian qua khi so sánh mức độ ưu tiên đầu tư giữa BĐS và các kênh khác.
"Thêm nữa, từ góc độ nguồn cung, có thể thấy, đại dịch Covid-19 là rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho thị trường BĐS. Nhiều doanh nghiệp BĐS đã thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm. Những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt, danh mục sản phẩm đa dạng, hướng đến nhu cầu ở thực của người mua có nhiều cơ hội phát triển", ông Tuấn nhấn mạnh.