Hai cổ phiếu vốn hoá lớn hàng đầu thị trường miệt mài "dò đáy", đáy sau thấp hơn đáy trước
Theo Báo nhipsongkinhte.toquoc.vn - VIC và VNM lại có đấy mới sau phiên 24/2, miệt mài tìm đáy mới.
Phiên 24/2, chứng khoán Việt Nam giảm mạnh theo xu hướng của thị trường tài chính thế giới bị "nhuộm đỏ" sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở phía đông Ukraine và kêu gọi quân đội Ukraine trong khu vực hạ vũ khí.
Hai cổ phiếu vốn hoá lớn là VIC của Tập đoàn Vingroup và VNM của Vinamilk lần lượt đi tìm đáy mới, đáy sau thấp hơn đáy trước. Vì có mức vốn hoá lớn nên việc VIC và VNM có xu hướng giảm điểm dài hạn đã tác động sâu sắc tới các chỉ số chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, chốt phiên 24/2, VNM đã giảm 1,8% xuống mức 78.600 đồng/cổ phiếu, mức thấp nhất của cổ phiếu này kể từ đầu năm 2020 trở lại đây. VNM đã giảm hơn 40% trong vòng hơn 1 năm qua. Vốn hoá của VNM cũng giảm xuống 164.270 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020 đến nay. Mức giảm này cũng phá đáy gần nhất mà VNM tạo vào ngày 25/1 mới đây là 79.200 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá VNM trong vòng 1 năm qua
Xu hướng giảm của VNM đã được xác lập từ đầu năm 2021 đến nay với việc khối ngoại giảm sở hữu dần do động lực tăng trưởng đột phá của doanh nghiệp không còn, hiện khôi ngoại nắm giữ 54,37% vốn VNM (giảm từ mức gần 59%). Thực tế kết quả kinh doanh năm 2021 của Vinamilk không có sự tăng trưởng và lợi nhuận đi ngang suốt 5 năm qua.
Cụ thể, quý 4/2021 Vinamilk thu về 15.819 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, do giá vốn tăng nên lợi nhuận gộp của VNM chỉ tăng 1% lên 6.725 tỷ đồng. Doanh thu tài chính của công ty giảm 46% so với cùng kỳ. Chi phí quản lý doanh nghiệp của VNM đã giảm được 43% trong quý này còn 417 tỷ, nhưng chi phí tài chính lại tăng 38% lên 90 tỷ, chi phí bán hàng tăng 3% lên 3.871 tỷ. Sau cùng, VNM không có nhiều thay đổi trong quý 4, lợi nhuận sau thuế trong kỳ này của VNM cũng xấp xỉ năm ngoái khi giảm khoảng 1% đạt 2.213 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2021, VNM cũng không thay đổi gì nhiều so với năm 2020 và những năm trước. Doanh thu thuần của công ty tăng khoảng 2% đạt 60.919 tỷ đồng. Khoản thu nhập khác của VNM đã tăng 211 tỷ, gấp đôi năm ngoái do có thêm thu nhập được hỗ trợ bởi nhà cung cấp và khoản vay được miễn giảm do hỗ trợ bởi chính phủ. Công ty cũng đã tiết kiệm các khoản chi phí nhưng vì giá vốn cao nên lợi nhuận sau thuế của VNM đã giảm 5% so với năm trước còn 10.633 tỷ đồng. Kể từ năm 2017 đến nay lợi nhuận của VNM vẫn luôn ổn định ở mức trên 10 nghìn tỷ và không có sự đột phá.
Kết quả kinh doanh VNM đi ngang trong 5 năm qua
Về cổ phiếu VIC, phiên 24/2 cổ phiếu đã xác lập đáy mới khi giảm 2,4% xuống 80.100 đồng/cổ phiếu, thanh khoản gần 6,4 triệu đơn vị. Mức đáy này cũng phá vỡ mức đáy 81.700 đồng/cổ phiếu ngày 11/2 mới đây. Mức giá này cũng xác lập vùng giá thấp nhất kể từ tháng 9/2020 trở lại đây. Vốn hoá của VIC giảm về còn 306.000 tỷ đồng. Hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại VIC khoảng 12,92% vốn doanh nghiệp.
Trong Quý 4/2021, VIC ghi nhận lỗ trước thuế 6.369 tỷ đồng. Lũy kế năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 3.346 tỷ đồng, lỗ sau thuế là 7.523 tỷ đồng.
Được biết, VIC lỗ vì trong kỳ tập đoàn đã chi một con số "khổng lồ" chống dịch covid-19 cùng đất nước. Cụ thể, Vingroup đã chi ra 9.400 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống covid-19. Điều này khiến lợi nhuận quý 4 âm. Song đây chỉ là yếu tố tạm thời, nếu như VIC ngừng bớt khoản chi từ thiện và chống dịch, lợi nhuận sẽ sớm hồi phục trở lại. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam mở cửa bầu trời, du lịch và hàng không bắt đầu đã có hoạt động sôi nổi trở lại, ngành kinh doanh du lịch - bất động sản nghỉ dưỡng của Vingroup vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh cũng được tiếp thêm hi vọng.
Kết quả kinh doanh của VIC trong các năm qua
Vừa qua, Vingroup đã điều chỉnh định hướng Tập đoàn và xác định lại ba nhóm hoạt động trọng tâm là (1) Công nghệ – Công nghiệp, (2) Thương mại dịch vụ, và (3) Thiện nguyện xã hội – gồm các đơn vị hoạt động phi lợi nhuận và các Quỹ hỗ trợ của Tập đoàn. Vingroup sẽ giảm đóng góp cho Quỹ Thiện Tâm từ 90% xuống 10%, phần còn lại sẽ được Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, gia đình và các lãnh đạo cao cấp tại Vingroup chủ động đóng góp.
Đồng thời, Tập đoàn cũng quyết định ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung nguồn lực cho xe điện. Quyết định này sẽ giúp Vingroup hiện thực hóa nhanh hơn chiến lược trở thành hãng xe toàn cầu, thâm nhập sâu vào các thị trường quốc tế bởi trong tương lai, xe điện sẽ dần thay thế xe chạy bằng động cơ đốt trong. Điều này dẫn đến trong kỳ, Vingroup ghi nhận một khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng.
Diễn biến giá VIC trong một năm qua